Qua 10 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Cam Lâm Khánh Hòa đã không ngừng đổi mới, phát triển và trưởng thành trên nhiều mặt, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương đặc biệt trong huy động vốn phù hợp, cho vay hiệu quả.
Toàn cảnh Ngân hàng Agribank chi nhánh Cam Lâm tại trụ sở thị trấn Cam Đức
Được thành lập và đi vào hoạt động từ 01/12/2007 trên địa bàn của một huyện mới thành lập, cơ sở hạ tầng đang trong quá trình xây dựng, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu với hơn 80% dân cư nông thôn, quy mô kinh tế nhìn chung còn rất nhỏ bé…Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm đã tích cực triển khai các hình thức huy động vốn phù hợp với đặc thù của địa phương là đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân, thực hiện nghiêm túc lãi suất huy động theo từng thời kỳ để cho vay phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Cùng tôi đi thăm các khách hàng vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm cho biết: “Mặc dù bước đầu mới thành lập Chi nhánh còn nhiều khó khăn như cơ sở vật chất, phương tiện thiếu thốn, trụ sở làm việc phải đi thuê mướn, nhân sự chưa đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, nhưng với tinh thần không ngừng nỗ lực và phấn đấu, Chi nhánh đã luôn chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, tiếp thị trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với các tổ chức đoàn thể các cấp tuyên truyền qua các buổi họp, triển khai kịp thời các sản phẩm huy động tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng cấp trên nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn được giao…”
Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Cam Lâm
Hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm có 32 cán bộ, nhân viên làm việc tại Chi nhánh trung tâm thị trấn Cam Đức và Phòng giao dịch khu công nghiệp Suối Dầu, xã Suối Cát. Độ tuổi bình quân lao động tương đối trẻ, do đó có khả năng tiếp thu nhanh, có hiệu quả quy trình cung ứng các sản phẩm Ngân hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu cung ứng dịch vụ đảm bảo nhanh, gọn, chính xác và hiệu quả. Thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ với phương châm “ Đi vay để cho vay”, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm đã tích cực khơi tăng nguồn vốn, chú trọng đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi tại địa phương vào kinh doanh. Ngân hàng đã chủ động nắm bắt thông tin đền bù giải tỏa kết hợp với hình thức huy động vốn đa dạng, vận dụng linh hoạt công cụ lãi suất, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ với thái độ niềm nỡ, tận tình, thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp. Cán bộ, nhân viên của Ngân hàng làm công tác giao dịch đã đổi mới phong cách giao dịch, hướng dẫn tận tình chu đáo cho khách hàng đến gửi tiền phù hợp với thời gian và hình thức gửi, đảm bảo lợi ích cho khách hàng gửi tiền vào Ngân hàng. Đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ người dân về các thủ tục vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Ông Phạm Văn Thu ở xã Cam An Bắc chia sẽ: “Gia đình tôi có đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà, cần nhiều vốn do đó ngoài nguồn vốn có của gia đình thì gia đình tôi đã tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng để đầu tư phát triển chăn nuôi. Sau thời gian vay, gia đình tôi đã trả hết vốn đúng kỳ hạn và lại tiếp tục vay để đầu tư chăn nuôi, nói chung Ngân hàng đã cho vay với lãi suất rất phù hợp, thái độ của nhân viên hòa nhã, tận tình và giải quyết các thủ tục nhanh chóng”.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm luôn làm tròn vai trò của một Ngân hàng thương mại nhà nước trong việc chuyển tải vốn cho mọi thành phần của nền kinh tế trên địa bàn huyện, đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chi nhánh luôn bám sát Nghị quyết của Hội đồng thành viên và định hướng chung của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, tập trung đầu tư vào những ngành nghề đối tượng chủ lực tại địa bàn như vườn xoài, trang trại chăn nuôi, các ngành nghề thủ công, nuôi trồng thủy sản… Bà Nguyễn Thị Hồng Phương – chủ trại heo, ở xã Cam An Bắc cho biết: “ Tôi đầu tư chăn nuôi heo từ năm 2004 và đã gắn bó với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện từ đó, cũng nhờ Ngân hàng giúp đỡ cho tôi được tiếp cận nguồn vốn xây dựng từ trại nhỏ, lẽ 10 con, lên 20 con, rồi lên tổng tất cả trại nái, cai sữa, trại thịt tới 2.000 con”. “Từ khi khởi sự tôi vay được 15 triệu, sau đó cứ trả rồi lại vay và đầu tư phát triển dần lên, đến nay tổng nguồn vốn đầu tư của tôi đã lên tới 15 tỷ, trong đó có vay của Ngân hàng 4,5 tỷ…cũng nhờ được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, kịp thời nên gia đình đã có điều kiện làm ăn kinh tế” – bà Phương cho biết.
Để giữ thị phần tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm còn tập trung phát triển đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh thương mại trên địa bàn, qua đó góp phần đáng kể vào quá trình khai thác tiềm năng kinh tế của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và đô thị hóa của huyện. Chi sẽ với chúng tôi, bà Trần Thị Thủy – chủ cơ sở đan giỏ Cần xé Hòa Thủy, ở xã Cam Hiệp Nam cho biết: “Gia đình tôi không phải là người địa phương nhưng năm 2006 lại quyết định chọn mảnh đất này để lập nghiệp, mở cơ sở đan và thu mua giỏ Cần xé, lúc đầu với quy mô nhỏ, chủ yếu làm bằng thủ công nên thu nhập cũng không đáng kể, bắt đầu từ năm 2013 gia đình tôi bắt đầu tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng, lúc đó gia đình tôi như được trở mình vực dậy theo nguồn vốn của Ngân hàng, đầu tư mua sắm thêm máy móc, nhờ vậy thuê thêm nhiều nhân công để đan giỏ và giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương và một số xã lân cận”.
Có những thời gian do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, biến động về giá cả nông sản…làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu, song Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ngân hàng cấp trên về giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay trong từng thời kỳ, đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư vốn đến các thành phần kinh tế trên địa bàn. Chia sẽ với chúng tôi về việc hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão số 12 vừa qua, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm cho biết: “huyện Cam Lâm là một trong những địa bàn có thiệt hại lớn qua cơn bão số 12. Agribank chi nhánh huyện Cam Lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn và khách hàng để nắm bắt, thông kê kịp thời các khách hàng vay vốn ngân hàng bị thiệt hại. Theo số liệu thống kê đến ngày 15/11/2017, tổng số khách hàng thiệt hại là 169 khách hàng, với giá trị ước thiệt hại là 22.085 triệu đồng, trong đó phần vốn vay ngân hàng chiếm tỷ lệ trên 50%. Đối tượng thiệt hại chủ yếu cây ăn quả (Xoài, Chuối), trang trại nuôi gà, và nuôi trồng thủy hải sản. Để hỗ trợ khách hàng, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng cấp trên, Agribank chi nhánh huyện Cam Lâm tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại và thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng như : Cơ cấu nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới,… nhằm đồng hành, hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh”.
Đến nay tổng nguồn vốn kinh doanh của Ngân hàng đạt 850 tỷ đồng, gấp 9,7 lần so với năm 2007. Tốc độ tăng trưởng vốn huy động bình quân 25,5%/năm. Số lượng khách hàng tiền gửi cũng tăng đáng kể, gấp 10 lần so với năm 2007 với trên 14.600 khách hàng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm đã đầu tư cho trên 4.500 khách hàng vay, chiếm trên 16% tổng số hộ dân, với tổng dư nợ đến thời điểm tháng 11/2017 đạt trên 460 tỷ đồng, gấp 5,3 lần so với năm 2007, tốc độ tăng dư nợ bình quân hàng năm là 18,2%. Chất lượng tín dụng luôn được chú trọng kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu giảm dần từ 1,13% năm 2007 xuống còn 0,18% năm 2017. Công tác phát triển khách hàng là công tác trọng tâm, thường xuyên, đây vừa là phương thức để duy trì, phát triển thị phần tín dụng vừa là kênh triển khai các sản phẩm dịch vụ Ngân hàng.
Cảnh giao dịch tại Ngân hàng trụ sở thị trấn Cam Đức
Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm đã có nhiều giải pháp huy động nguồn vốn theo hướng tích cực, đầu tư cho vay có hiệu quả, tạo tiền đề để Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm tăng trưởng nhanh và bền vững nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư vốn đến các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lâm tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư nông nghiệp, nông thôn và nông dân, chủ động về nguồn vốn cho vay, khẳng định vị thế của một Ngân hàng thương mại Nhà nước có vai trò chủ lực, chủ đạo dẫn dắt thị trường tài chính, tiền tệ và là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách trong phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước./.
Phan Hương. Đài TT- TH huyện Cam Lâm.